Hồ Chí Minh Tăng Thu Phí Hạ Tầng Cảng Biển, Doanh Nghiệp Ngoại Tỉnh Kêu Cứu

by admin

Kể từ ngày 01/07/2021, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tờ khai hải quan ngoài TP.HCM sẽ phải trả phí gấp đôi khi sử dụng kết cấu hạ tầng và công trình cảng biển của TP.HCM.

Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 10/2020/NQ- HĐND ngày 09/12/2020 về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng và công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.


Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngoài TP.HCM đã bức xúc về mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tăng gấp đôi so với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM. Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương (ABEI) đã có kiến nghị gửi Uỷ ban Nhân Dân TP.HCM về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Xô – Chủ tịch ABEI cho biết việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng và công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển nhằm tạo nguồn thu cho hoạt động ngân sách, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 10 có những điểm chưa phù hợp khi có sự chênh lệch 100% về mức nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP.HCM. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

 

Cụ thể, hàng hoá xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức thu 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1.000.000 đồng/cont đối với container 40ft; và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Hàng hoá xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM áp dụng mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont đối với container 40ft; và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương kiến nghị, tất cả các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM hay tại tỉnh Bình Dương đều được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật. TP.HCM nên áp dụng một mức phí đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo số liệu từ UBND TP.HCM, việc thu ngân sách của thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước, năm 2019 là 27%, năm 2020 là 25,48%, dự kiến năm 2021 là 24,79% trong tổng dự toán thu cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách từ khu vực kinh tế của thành phố giai đoạn 2016-2019 đạt 11,39%, cao hơn so với tốc độ tăng của cả nước là 9,29%.

Tuy nhiên, TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là cơ sở hạ tầng giao thông thiếu sự kết nối của vùng Đông Nam Bộ và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng thành phố chưa đồng bộ là do thiếu nguồn vốn.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020, cảng biển tại TP.HCM chiếm khoảng ¼ tổng khối lượng hàng hóa của cả nước xuất qua cảng là 689 triệu tấn.

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu, với mức phí thấp nhất là 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet, dự kiến thành phố thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách, số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%. Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng năng lực vận chuyển hàng hoá góp phần phát triển kinh tế thành phố

Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố xây dựng Đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, quan trọng là làm sao mà Trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM. Việc giải bài toán tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM sẽ giải được bài toán đầu tư kết cấu hạ tầng, từ đó góp phần tăng nguồn thu ngân sách trở lại.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, PCI của TP.HCM có sự thay đổi từ hạng 8 sang hạng 14 (năm 2016 và năm 2017 là hạng 8, năm 2018 là hạng 10, năm 2019 và năm 2020 là hạng 14).

Một chuyên gia về kinh tế cũng cho biết việc cần vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM cũng như kết nối vùng Đông Nam Bộ cần có nguồn ngân sách lớn từ trung ương, việc tăng thu, trong đó có tăng thu phí sử dụng hạ tầng kết cấu, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cảng biển đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì phải thu đồng bộ, không nên có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngoại tỉnh và doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM.

Điều này có thể tạo tâm lý không tốt cho mục tiêu nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố khi TP.HCM đang bị thụt lùi so với Bình Dương, Quảng Ninh, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre và nhiều tỉnh (thành) khác.

Nguồn: Cafef.vn

0

Dịch Vụ Tại Khải Minh Shipping